Kinh nghiệm ôn thi môn Ngữ Văn kì thi tốt nghiệp THPT Quốc Gia 2021

Mình hiểu rất rõ cảm giác lo sợ của những bạn tới giờ phút này bỗng dưng muốn đổi khối thi sang khối có môn Văn, hoặc chỉ đơn giản là muốn chống liệt, vì thế mình muốn chia sẻ vài điều.

I. Phần đọc hiểu

Phần trình bày: Khi trả lời mỗi câu hỏi thì phải làm như hình. Cứ mỗi câu phải xuống hàng và gạch chân như vậy. Đối với mình, mặc dù khi đi thi không phải ai cũng chú ý đến mặt chữ viết của các bạn, mình vẫn tin rằng ở phần đọc hiểu nên viết chữ nắn nót và nịnh mắt một tí để người chấm có thiện cảm, còn các phần nghị luận muốn vẽ bùa chú hay luyện kim gì cũng không ai đánh giá.

Về cách trả lời từng câu:

1. Đây là câu dễ nhất, thường hỏi về phương thức biểu đạt hoặc phong cách ngôn ngữ. Khi làm câu này chú ý đừng suy nghĩ sâu xa, bới móc lên tên những dạng, những phong cách mà mình ít gặp trong chương trình phổ thông. Cứ nghị luận, biểu cảm, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/sinh hoạt/chính luận mà viết. 

Vì năm trước phần đọc hiểu đã là văn bản nên khả năng cao năm nay sẽ cho thơ. Cứ ghi biểu cảm, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mà tới. Đúng thì thôi, không đúng thì thôi.

2. Biện pháp tu từ.

Khi làm câu này, dù cho đề có gạch hay chỉ ra sẵn biện pháp tu từ nằm ở câu nào thì mình vẫn nên ghi lại. Còn nếu đề bảo tìm thì tất nhiên mình phải tìm và ghi lại rồi. Sau khi tìm xong thì đến phần nêu tác dụng. Nhớ phải chia ra hai mảng về Nghệ thuật và về Nội dung.

3. Câu này mỗi bài mỗi khác nên hên xui, đề kêu gì làm đó. Nhưng nhớ là đừng nên viết quá dài sẽ dẫn đến thiếu thời gian. Không nên viết dài hơn câu 4.

4. Đây thường là một câu nghị luận xã hội nhỏ. Cố gắng không viết quá dài. Câu trả lời phải đầy đủ: Ý kiến của mình (đồng ý hay không đồng ý), diễn giải bổ sung thêm (vì sao đồng ý, nêu ví dụ), sẽ tốt hơn nếu viết được một câu phản đề. Và cuối cùng là kết luận lại mình đồng ý hay không đồng ý.

*Chú ý: Nếu câu hỏi yêu cầu nêu suy nghĩ về thông điệp, phải tự rút mình ra thông điệp từ bài đọc ở trên rồi ghi lại (VD: Em hoàn toàn đồng ý với thông điệp....), không được trích dẫn lại bất kỳ câu nào.


II. Phần nghị luận xã hội:

Phần này dễ ăn điểm nếu bạn viết đúng cấu tứ. Dù cho cái ý tưởng của bạn có cringe tới cỡ nào thì vẫn sẽ có điểm cao nếu bạn theo đúng format. Nếu ý của bạn sâu sắc thì càng tốt, nhưng vẫn sẽ không đạt được điểm cao nếu bạn viết quá dài, hoặc viết quá trời câu nhưng vẫn chỉ diễn đạt được mỗi một ý.

Format mà mình được cô dạy như sau:

Dẫn vào đề bài (nếu trích được một câu nói hay để dẫn vào sẽ rất tốt, nhưng câu đó không được quá dài, hoặc lan man lạc đề). Giải nghĩa từ khóa quan trọng trong đề bài. Tầm ảnh hưởng của từ khóa đó đối với xã hội. Tầm ảnh hưởng của từ khóa đó đối với bản thân. Nêu ví dụ (thường là ví dụ tích cực). Câu phản đề (Tuy nhiên hiện nay...). Câu kết hướng tới bản thân (Do đó em sẽ..., Là một học sinh em sẽ...).

Tùy vào đề bài ta có thể biến hóa linh hoạt, nhưng cái sườn vẫn là như vậy. Nên lưu ý rằng dù cho cái đề có kích thích khả năng viết lách sáng tạo của bạn đến đâu thì bạn cũng phải viết có chừng mực để dành thời gian cho bài phân tích nghị luận văn học.

III. Nghị luận văn học:

Vì năm trước đã thi thơ nên khả năng cao năm nay sẽ thi văn xuôi. Mà văn xuôi thì không cần phải quá hoảng loạn bài Sông Đà. Nếu đã 11 năm rồi không ra bài Sông Đà thì tại sao năm nay lại ra bài Sông Đà? Thế nên cứ bình tĩnh, đọc các bài phân tích thôi chứ không cần quá cố nhớ để làm gì, vào thi rồi sẽ có cách. Khi bị dồn vào đường cùng rồi mình sẽ làm được nhiều thứ mà mình không nghĩ mình sẽ làm được.

Tips ôn thi văn xuôi: Phải học thôi chứ làm gì còn cách nào khác. Nhưng mà không nhất thiết là phải học thuộc nằm lòng, chỉ cần đọc qua vài lần là mình sẽ tự nhớ được.

Trong một bài văn xuôi, mà ở đây là truyện ngắn. Các bạn cần phải chuẩn bị sẵn cho mình những bài phân tích về tình huống truyện và từng nhân vật quan trọng trong truyện. Ví dụ như trong “Chiếc Thuyền Ngoài Xa” thì bạn chuẩn bị một bài văn mẫu phân tích Tình huống truyện, một bài phân tích nhân vật người đàn bà và một bài phân tích nhân vật Phùng. Đó là cái sườn chính để bạn có thể thêm mắm dặm muối khi đề bắt đầu yêu cầu phân tích các khía cạnh khác của nhân vật. Ví dụ như khi yêu cầu phân tích tình mẫu tử thì bạn bê hẳn bài phân tích nhân vật Người đàn bà vào và nhớ chỉ cần viết nhiều thêm một chút về tình cảm thiêng liêng của bà đối với con mình.

Về thơ: Mình khá chắc năm mình thi thơ nên mình đã học rất kỹ bằng cách chuẩn bị các bài phân tích ngắt quãng. Mình loại bỏ những đoạn đã thi trong những năm gần đây và làm một bài phân tích đầy đủ từng đoạn thơ. Khi đề bài còn yêu cầu phân tích thêm về khía cạnh nghệ thuật gì đó, bạn phải viết hẳn một đoạn nhỏ chỉ nói về việc đó trước cái kết bài.

Để nhớ cách phân tích, mình in thơ ra giấy, mỗi câu gạch ngang từ khóa cần chú ý, và tự nhớ lại nếu gặp từ đó mình sẽ viết gì. Đó là cách mà mình đã chạy nước rút một tuần trước khi thi. Và cách này thật sự rất có hiệu quả.

Về mở bài và kết bài: Phải luôn có một mở bài tiêu biểu cho mỗi tác phẩm. Tốt nhất là mở đầu bằng một câu trích dẫn hay (nhận định của các nhà phê bình khác về tác phẩm), giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, nêu lại đề bài. Nếu bạn chọn mở bài theo cách hoa mỹ hơn thì có thể đem hoàn cảnh sáng tác xuống câu mở đầu thân bài.

Trước kết bài, ngoài đoạn phân tích theo yêu cầu của đề bài thì còn cần thêm một đoạn nói về phong cách nghệ thuật của tác giả. Hai đoạn này có thể đảo vị trí cho nhau. Về sau khi đã thi xong rồi thì mình mới biết khi viết nghị luận văn học ta có thể mang dẫn chứng từ bên ngoài vào để bài hay hơn. Vì mình không viết dẫn chứng nên mình không biết cái này nhét ở chỗ nào, thôi thì muốn viết ở đâu thì viết.

Kết bài thì tất nhiên phải khẳng định lại giá trị của tác phẩm. Cố tránh những câu sáo rỗng như: "Dù Nguyễn Khoa Điềm đã đi xa nhưng tác phẩm của ông vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc." Tới câu cuối của kết bài thì vẫn nên trích dẫn một câu nói hay vào để tăng tính biểu cảm, để lại ấn tượng cho người chấm.

Nên có một cuốn sổ tay liệt kê lại những câu nói hay mà bạn thấy phù hợp để đem nhét vào trong những dòng phân tích của mình. Khi phân tích có thể liên tưởng, đưa những tác phẩm khác vào. Trong cuốn sổ tay đó nên ghi sẵn mở bài và kết bài của từng tác phẩm để lúc gảnh gang lấy ra đọc cho nhớ vì mở bài và kết bài là thứ phải thuộc nằm lòng để vào thi không mất thời gian nhiều. 

Tuy nhiên những chỉ dẫn trên vẫn có phần thiếu sót và chưa đủ đầy, mong các bạn đã trải qua kì thi này có thể để lại kinh nghiệm của mình ở dưới phần bình luận để các em/các bạn khác có thể đọc được. 

Nguồn: Phương Uyên